Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Hiện thực xã hội "nóng" trong từng vở diễn
VHO Một gia đình bề ngoài trông hạnh phúc, vẹn toàn nhưng bên trong chỉ toàn là bi kịch; những cặp vợ chồng trẻ chỉ lo cho bản thân, sống ích kỷ, đối xử tàn tệ với đấng sinh thành; câu chuyện mua quan bán chức; hy sinh, mất mát, đau thương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19…
Màu sắc văn hóa dân gian mượn tích xưa nói chuyện nay trong “Chuyện làng”
Đó là những lát cắt được khắc họa nổi bật trong bức tranh chung của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM.
Mượn tích xưa để nói chuyện nay
Vở kịch dân gian Chuyện làng (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) của Hội Sân khấu TP.HCM là một bất ngờ lớn tại Liên hoan năm nay. Truyện kể về ngôi làng mang tên Hồng Phúc với ba dòng họ lớn là Vương, Lê và Nguyễn. Theo truyền thống, cứ 3 năm sẽ thay đổi vị trưởng làng, lần lượt ba dòng họ này sẽ thay phiên nhau đảm nhận chức vị. Xung đột xảy ra khi các họ quyết đấu đến cùng để giữ chức trưởng làng vĩnh viễn. Họ ra sức chạy chọt, hối lộ quan trên nhưng thực tế lại bị kẻ khác lợi dụng. Thầy đề và quan huyện đã tranh thủ cảnh “nồi da xáo thịt” của ba dòng họ mà “quan tham đề nhũng”, gài bẫy để họ phạm tội, rồi một mặt nhận tiền đút lót nhưng mặt khác lại “ngư ông đắc lợi”, giành luôn chức trưởng làng Hồng Phúc… Đến lúc này thì ba dòng họ mới nhận ra, cùng đoàn kết chống lại bọn tham quan, giữ bình yên cho dân làng. Chuyện làng với tiết tấu nhanh, tươi sáng và lối diễn tung hứng, nhuần nhuyễn của các nhân vật đã mang đến màu sắc tươi mới cho Liên hoan. Đặc biệt, câu chuyện kịch với cách mượn chuyện xưa nói chuyện nay, khi mà nạn tham quyền cố vị, muốn ngồi ghế to thật lâu của các quan tham đã được lồng ghép, chuyển tải đến người xem.
NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Sử dụng chất liệu dân gian khi đưa lên sân khấu, chúng tôi muốn người xem dễ đón nhận nhờ tính dung dị, gần gũi, nhẹ nhàng mà mang ý nghĩa sâu sắc. Có cười nói đó, nhưng khán giả cũng thấy có “rung rinh”, đâu đó có bài học và tính dự báo…”. Vở có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Cát Tường, Tiết Cương, Bảo Trí, Thanh Hà, Hoàng Quân, Thái Kim Tùng, Hoàng Quốc Thanh…
Trước đó, vở Câu hò đất Mẹ (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn Hoàng Duẩn), dự án liên kết hợp tác giữa Khoa Quản lý văn hóa - nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh là câu chuyện kịch khắc họa hình tượng nghệ thuật của hai chiến sĩ Cộng sản trẻ Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ, đối tượng khán giả mà vở kịch hướng đến là sinh viên, do đó, mặc dù là kịch cách mạng nhưng được dàn dựng thật trẻ và đời để chính các bạn thấy được mình trong những tấm gương của người đi trước. “Thời nào cũng có những người trẻ và những người trẻ yêu nước bằng cách này hay cách khác. Dù là những anh hùng hiên ngang bất khuất trước quân thù thì họ vẫn có một thời tuổi trẻ biết yêu, biết sống hết mình cho lý tưởng và đó là mạch nối đồng điệu với giới trẻ hôm nay”, đạo diễn Hoàng Duẩn bày tỏ. Câu hò đất Mẹ là tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau Liên hoan, vở sẽ biểu diễn tại một số trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Đề tài về gia đình chưa bao giờ nguội
Nắng chiều (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Quốc Thảo) của Sân khấu kịch Quốc Thảo với liều lượng tiếng cười chiếm phần lớn qua sự diễn xuất duyên dáng của bộ ba nghệ sĩ Quốc Thảo, Lê Giang và Linh Tý. Vở diễn nói về hoàn cảnh của ba người bạn già rời quê, theo con cái lên Sài Gòn sinh sống. Họ làm tất cả những công việc của một người giúp việc, trông con, may vá, nấu ăn… nhưng các con đều cho rằng đó là bổn phận của cha mẹ mà không một chút bận tâm. Vì yêu thương con, họ không hề giận hờn mà cắn răng chịu đựng, chỉ biết tâm sự và san sẻ cho nhau bằng những ký ức thời trẻ để tự an ủi, động viên. Câu chuyện của ba gia đình, ba người già trong Nắng chiều không xa lạ trong nhịp sống thành thị này, khi mà vật chất, mưu sinh đã khiến nhiều người đối xử với cha mẹ mình một cách vô tình đến mức vô tâm. Qua kịch, người xem thấy được đâu đó hình ảnh của chính mình, từ đó chạnh lòng, hoặc biết nhìn lại, điều chỉnh những sai lầm trong ứng xử. Ngoài 3 vai chính, vở còn có sự tham gia của các diễn viên trẻ Thanh Hiền, Nguyễn Bích Trâm, Khương Hưng…
Trước đó, Sân khấu Sen Việt đem đến cho khán giả Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 vở kịch Mảnh vỡ (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt). Tác phẩm công diễn tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình, nơi vừa đưa vào sử dụng cách đây không lâu với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hoành tráng, bắt mắt. Vở diễn là câu chuyện gia đình thời hiện đại, với những bi kịch khó giãi bày, người trong cuộc vì những quy tắc của gia phong, lễ giáo mà chấp nhận sống trong một vòng kìm kẹp của hôn nhân, để rồi đều đau khổ, dằn vặt… Mảnh vỡ với sự tham gia của NSƯT Hữu Quốc, Bình Tinh, Thái Kim Tùng, Hồng Thắm, Ngọc Vàng, Thu Cúc, Lan Anh.
Tương tự, vở Blouse trắng (tác giả Miên Thảo, đạo diễn Hữu Tiến) của Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng gây xúc động người xem với câu chuyện hy sinh của lực lượng y tế nơi tuyến đầu trong cuộc chiến Covid-19. Vào vai bác sĩ Hạnh, NSƯT Trịnh Kim Chi đãphác họa hình ảnh một nữ bác sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống Covid vô cùng cam go. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, thông qua vở kịch muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ và những nghĩa cử cao đẹp, trái tim nhiệt huyết của lực lượng tình nguyện viên, đã không ngại khó khăn, hỗ trợ đắc lực, mang nhiều phần việc có ý nghĩa đến cộng đồng trong cuộc chiến chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM đã đi hơn nửa chặng đường, vẫn còn nhiều bất ngờ ở phía trước khi phần lớn tham dự đều là những tác phẩm mới. Chia sẻ sau vở diễn, các ông, bà “bầu” đều cho biết sau 2 năm hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh, ê kíp đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tham gia Liên hoan và mong muốn tác phẩm sẽ quay trở lại trong dịp Tết Nguyên đán, khởi đầu cho những dự án sẽ chào hàng trong năm mới.
THÙY TRANG